KHU TƯỞNG NIỆM SOẠN GIẢ MỘC QUÁN - NGUYỄN TRỌNG QUYỀN

Thuyết minh viên của BQL di tích TP.Cần Thơ giới thiệu đến các đồng chí lãnh đạo thành phố về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền. Ảnh Nguyễn Mỹ

Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, hạt Long Xuyên (nay thuộc phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Là nhà nho, không chỉ giỏi chữ Hán Nôm, ông còn tinh thông chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sáng tác nhiều thể loại như thơ, thơ tuồng, đặc biệt là tuồng cải lương. Trong sự nghiệp, Soạn giả đã sáng tác 90 vở cải lương, làm thầy tuồng cho 5 gánh hát ở Cần Thơ và 3 gánh hát lớn ở Nam bộ. Chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là cổ vũ lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm, đề cao lòng trung hiếu tiết hạnh, truyền thống dân tộc. Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền cũng chính là người đưa bản “Dạ cổ hoài lang” của Soạn giả Cao Văn Lầu lên sân khấu cải lương; đồng thời góp phần đào tạo nhiều tài năng sân khấu cải lương như: Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu, Kim Cúc, Kim Lan và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác. Ông được tôn vinh là một trong những ông tổ của sân khấu cải lương Nam bộ.

Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền mất vào năm Quý Tỵ (1953) và được an táng tại quê nhà. Nơi yên nghỉ của Soạn giả sau hai lần cải táng, di dời đã được chính quyền và nhân dân Cần Thơ xây dựng khang trang trên diện tích hơn 12.000m2 tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km về hướng Đông Bắc. Công trình khánh thành vào ngày 03/2/2018 nhân kỷ niệm 142 năm ngày sinh của Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền.

Với phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, Khu tưởng niệm Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền bao gồm nhiều hạng mục: sau Cổng Tam quan bề thế, bên trái là Nhà bia hình vuông, nơi ghi chép tiểu sử, sự nghiệp của cố Soạn giả; bên phải là Nhà biểu diễn dành để tổ chức giao lưu đờn ca tài tử, ca cải lương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trung tâm của Khu tưởng niệm là Nhà thờ mang phong cách kiến trúc truyền thống Nam bộ; bên trong là khu vực thờ tự kết hợp trưng bày hơn 200 hiện vật tư liệu và hình ảnh theo các chủ đề: Quê hương và gia đình của Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền; Sự nghiệp sáng tác của Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền; Hoạt động phát huy sự nghiệp Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền, đặc biệt là những tác phẩm tuồng viết bằng chữ Nôm của Soạn giả còn được gia đình lưu giữ. Sau Nhà thờ là Nhà mộ: phần mộ ở giữa là của Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền, hai bên là mộ người vợ đầu – bà Trịnh Thị Đây và vợ kế – bà Lê Thị Tiên.

Từ khi được khánh thành đến nay, Khu tưởng niệm Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền đã trở thành địa chỉ tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống, giao lưu văn hóa các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố Cần Thơ.

Tin và ảnh: Nguyễn Mỹ - Linh chi (Ban QLDT thành phố)
Các bài viết khác:
Lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ thuyết minh di tích năm 2019   (08/07/2019)
Chương trình "Tìm về di sản" trong Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy năm 2019   (06/06/2019)
Quận Thốt Nốt sôi nổi nhiều hoạt động hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019   (18/04/2019)
Hành trình sinh viên đến các di tích lịch sử   (29/03/2019)
Hội thi tuyên truyền về di sản văn hóa trong học đường năm 2018   (07/01/2019)
<<    1  2  3  4  5  ...    >>